Triển khai các nội dung liên quan đến việc tháo gỡ các điểm nghẽn khi triển khai Đề án 06
Về thể chế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành chủ động theo dõi việc công bố sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ, ngành có liên quan, kịp thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố và cập nhật, công khai TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đồng thời hoàn thành việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ có liên quan; hoàn thành trước tháng 9/2023.
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời bổ sung, trang bị các thiết bị đầu cuối cần thiết, đề xuất đầu tư các hạng mục theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trường hợp cần thiết, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ triển khai, cung cấp giải pháp bảo đảm hạ tầng, công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số trong thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin; trực tiếp báo cáo kết quả triển khai cho Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thành trước ngày 20/6/2023.
Đối với dịch vụ công trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh (cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá, kiểm tra tình hình triển khai các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng UBND tỉnh chủ trì tiếp tục rà soát, đánh giá các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, có tần suất sử dụng cao, có đầy đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiến tới cung cấp các ứng dụng TTHC để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền; hoàn thành trong tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong việc tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện TTHC, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại thông tin đã có; hoàn thành trong tháng 9/2023.
Về dữ liệu, Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả bảo đảm khắc phục tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu”.
Đối với vấn đề nguồn lực, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu đào tạo cụ thể về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với yêu cầu chuyển đổi số đảm bảo chất lượng, hiệu quả; hoàn thành trong tháng 6/2023.
H.H
https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=146367