Trang thông tin điện tử

Xã Trà Lâm

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam xã đi thăm các trường học trên địa bàn xã nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2299/UBND-KTN yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm để tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Quyết định số 767/KH-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Quyết định số 1763/KH-UBND ngày 16/12/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng ngãi năm 2023 và Công văn số 850/UBND-KTN ngày 06/3/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch gia súc gia cầm vào địa bàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 và tổ chức tiêm phòng thường xuyên theo lứa tuổi từ nguồn vắc xin tỉnh phân bổ; rà soát, thống kê chính xác tổng đàn gia cầm của địa phương; tổ chức tiêm phòng bắt buộc vắc xin cúm gia cầm bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Đặc biệt, lưu ý đàn gia cầm tại các khu vực có nguy cơ cao, đàn gia cầm đã được tiêm vắc xin nhưng hết thời gian miễn dịch, các đàn gia cầm nuôi mới tới tuổi tiêm phòng và tiêm nhắc lại mũi hai sau mũi một từ 10-14 ngày.

Quản lý chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; tập trung kiểm soát các cơ sở cung cấp con giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, vận chuyển, mua bán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm, kịp thời báo cáo cho ngành nông nghiệp, y tế và tập trung các nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch Cúm gia cầm. Chủ động sử dụng kinh phí dự phòng ở địa phương để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền và tập huấn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại khu vực nuôi gia cầm; chủ động khai báo chăn nuôi gia cầm và gia cầm đến kỳ tiêm phòng; giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy, giết mổ, ăn tiết canh, thịt gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Rà soát các trường hợp tiêu hủy gia súc, gia cầm chưa hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cho người chăn nuôi đã chấp hành quy định tiêu hủy bắt buộc gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch từ đầu năm 2022 đến nay để tránh trường hợp người chăn nuôi bán chạy làm lây lan dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Quyết định số 767/KH-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện “Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm đủ năng lực để tổ chức chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn người chăn nuôi, lực lượng thú y cơ sở cách nhận biết bệnh cúm gia cầm; các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch và xử lý ổ dịch theo quy định.

Kịp thời phân bổ vắc xin cúm gia cầm, hóa chất tiêu độc khử trùng cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm phòng và triển khai thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi gia cầm. Chủ động giám sát, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh; kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ổ dịch theo quy định.

Sở Y tế tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Chỉ đạo cơ quan, đơn vị y tế địa phương cử cán bộ giám sát tình hình dịch cúm trên người tại các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh để chủ động phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ  động vật sang người.

Sở Công Thương tuyên truyền, hướng dẫn cho các tiểu thương kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm tại chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Cục Quản lý thị trường (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải Quan tỉnh và Sở Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với ƯBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành chức năng, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ động nắm tình hình và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh nhập khẩu, vận chuyển, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và động vật.

BBT