Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 12-17/8/2024
Phân công nhiệm vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang
Chỉ đạo, điều hành và quản lý chung mọi hoạt động của UBND tỉnh; lãnh đạo các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau đây: Về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều hành ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển; các lĩnh vực: tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quốc phòng, an ninh, thanh tra, thi đua, khen thưởng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xúc tiến thu hút đầu tư; công tác quản lý, phát triển đô thị; xây dựng, giao thông vận tải; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thuộc tỉnh quản lý.
Chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, cháy, nổ, dịch bệnh, an ninh, trật tự; an toàn giao thông và những giải pháp quan trọng để chỉ đạo, điều hành trong từng thời gian mà Chủ tịch UBND tỉnh thấy cần phải trực tiếp xử lý.
Giữ mối quan hệ giữa UBND tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.
Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh; Trưởng ban Ban An toàn giao thông tỉnh; Trưởng ban Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Trưởng ban Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Trưởng các Ban Chỉ đạo theo quy định của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trực tiếp theo dõi địa bàn: Thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và huyện Bình Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn
Làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
Phụ trách các lĩnh vực công tác: Nội chính; tôn giáo; tư pháp; thi hành án dân sự; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; văn hóa, thể thao và du lịch; lao động - thương binh và xã hội; Khoa học và công nghệ; Thông tin và Truyền thông; báo chí, tuyên truyền; phát thanh, truyền hình tỉnh; gia đình và trẻ em; các lĩnh vực xã hội khác; công tác dân vận; công tác thanh niên.
Làm nhiệm vụ: Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh; Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; Chủ tịch Hội đồng đánh giá sáng kiến tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo về sự tiến bộ phụ nữ; Trưởng các Ban chỉ đạo thuộc lĩnh vực phụ trách.
Trực tiếp chỉ đạo công tác: Cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách.
Tiếp nhận và xử lý bước đầu trường hợp công dân tụ tập trước Trụ sở UBND tỉnh, Trụ sở Tỉnh ủy và các trường hợp tụ tập đông người trái phép, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Trực tiếp theo dõi địa bàn các huyện: Trà Bồng, Nghĩa Hành, Minh Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên
Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
Phụ trách các lĩnh vực: Tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng, kho bạc nhà nước, thuế, hải quan, thống kê, kiểm toán, tài sản công (kể cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước); y tế, dân số; công tác dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập) thuộc tỉnh quản lý, hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cơ chế, chính sách phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp; chương trình biển Đông, hải đảo; công tác ngoại vụ; vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Làm nhiệm vụ: Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh; Trưởng Ban Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; Trưởng Ban Chỉ đạo về bảo hiểm y tế; Chủ tịch Hội đồng giám sát xổ số kiến thiết; Trưởng các Ban chỉ đạo thuộc lĩnh vực phụ trách.
Trực tiếp theo dõi địa bàn các huyện: Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Sơn Tịnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền
Thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác:
Phụ trách các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, điện lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn; kinh tế biển; kinh tế tập thể; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tài nguyên và môi trường, khoáng sản, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng cháy, chữa cháy.
Giúp Chủ tịch UBND tỉnh xử lý một số công việc liên quan trong Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh (công tác môi trường, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...).
Làm nhiệm vụ: Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy tỉnh; Trưởng các Ban Chỉ đạo thuộc lĩnh vực phụ trách.
Trực tiếp theo dõi địa bàn các huyện: Lý Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức.
Sửa chữa, duy tu bảo dưỡng và hoàn trả lại hạ tầng phục vụ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 4292/UBND-KTN chỉ đạo về sửa chữa, duy tu bảo dưỡng và hoàn trả lại hạ tầng của địa phương phục vụ dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Ban Quản lý dự án 2 chủ trì, phối hợp với các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, UBND các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng từng tuyến đường để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình thi công và hoàn trả nguyên trạng sau khi hoàn thành dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dự án); phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện ký quỹ theo chỉ đạo tại điểm d Khoản 4 Thông báo số 104/TB-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh.
Đối với việc ảnh hưởng đến công trình, vật kiến trúc của tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng do việc vận chuyển vật liệu phục vụ dự án, đề nghị Ban Quản lý dự án 2 chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá các ảnh hưởng, thiệt hại và thực hiện đền bù, hỗ trợ cho Nhân dân.
UBND các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, UBND thị xã Đức Phổ và Sở Giao thông vận tải rà soát, thống kê các tuyến đường phục vụ thi công dự án được giao quản lý, phối hợp với Ban Quản lý dự án 2 thực hiện ký biên bản, ký quỹ để đảm bảo việc sửa chữa, hoàn trả nguyên trạng sau khi thi công hoàn thành dự án.
Để đảm bảo trách nhiệm của Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công, giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nội dung biên bản mượn đường, việc tổ chức ký quỹ và thực hiện hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường sau khi hoàn thành việc thi công dự án theo chỉ đạo của UBND tại điểm d Khoản 4 Thông báo số 104/TB-UBND ngày 15/3/2022 tỉnh.
Triển khai Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có trên 80% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả…trên địa bàn tỉnh được áp dụng IPHM; trên 80% số xã có sản xuất nông nghiệp tập trung có đội ngũ nông dân nòng cốt (ít nhất 5 nông dân nòng cốt/ xã, phường) có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và kết quả cho cộng đồng.
Lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường; tăng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng.
Phấn đấu trên 90% số xã phường có sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng quy định; ít nhất 80% các xã/phường/thị trấn tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả cho người sử dụng.
Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả trên các cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn quả, sắn…gắn với chuỗi giá trị; Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp,…
Tập trung thực hiện tốt 4 nội dung kế hoạch
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những văn bản liên quan, mô hình ứng dụng IPHM, quy trình sản xuất hiệu quả bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin và ứng dụng công nghệ số để người dân có thể chủ động tìm hiểu và học tập mọi lúc, mọi nơi.
Tổ chức hội nghị tổng kết, hội thảo và tham quan những mô hình hiệu quả, những cách làm hay về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; lồng ghép với các hình thức sinh hoạt cộng đồng để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và kỹ năng tiếp cận thị trường. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, IPHM cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp trong canh tác trên địa bàn tỉnh.
Tập trung xây dựng, tập huấn nhằm tăng cường nguồn lực giảng viên cấp tỉnh đáp ứng nhu cầu huấn luyện cho nông dân tại các địa phương. Thành phần tham gia đào tạo là công chức, viên chức chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, nông học đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện hướng dẫn viên cộng đồng, nông dân nòng cốt về IPHM gồm các nhân tố tích cực của các Hội, Đoàn thể, Hợp tác xã... để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và hướng dẫn nông dân khác ứng dụng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân áp dụng vào sản xuất góp phần mở rộng diện tích sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình IPHM, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong canh tác nhằm tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, Hợp tác xã; nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.
Tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai hiệu quả giữa các cơ quan, lực lượng chức năng các cấp trong công tác công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác theo quy định.
Học sinh trên địa bàn tỉnh tựu trường vào ngày 29/8/2024, khai giảng vào ngày 05/9/2024
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 994/QĐ-UBND ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025, học sinh trên địa bàn tỉnh tựu trường vào ngày 29/8/2024, riêng đối với lớp 1 tựu trường vào ngày 22/8/2024.
Tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2024; bắt đầu giảng dạy từ ngày 06/9/2024;
Kết thúc học kỳ I trước ngày 18/01/2025; hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2025.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học trước ngày 20/6/2025; xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 01/6/2025.
Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2025; thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 dự kiến diễn ra từ ngày 05/6/2025 đến ngày 07/6/2025.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27/6/2025.
Các kỳ thi cấp quốc gia khác thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 và tình hình điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 cho từng cấp học đảm bảo nguyên tắc: Kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Các ngày lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học.
Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể về các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định; cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù; bảo đảm thời gian nghỉ của giáo viên trong năm học.
BTV