Chủ động ứng phó với động đất ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh
Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29/7/2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7/2024 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực), dư chấn của động đất đã gây rung, lắc trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, nhất là người dân tại các huyện miền núi, gần khu vực tâm chấn gồm: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/07/2024 về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hiệu hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kôn Plong, tỉnh Kon Tum, ngày 30/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho Nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với người dân tại các huyện miền núi và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả ( trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn. Chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu đơn vị quản lý, chủ động trình dõi chặt chẽ công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông nhằm chủ động phát hiện biểu hiện nguy hiểm đến an toàn công trình để xử lý, ứng phó kịp thời.
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Sở Xây dựng hướng dẫn kiểm tra công trình xây dựng (các tòa nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học,...) đặc biệt là ở các khu vực gần vùng tâm chấn để chủ động phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo đề nghị của địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi và các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về động đất, tăng cường truyền thông, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất, tránh hoang mang và giảm thiệt hại do động đất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất theo quy định, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vấn đề theo thẩm quyền.
D.L